Cổ đại Lịch_sử_Paris

Đồng tiền vàng của người Parisii lưu trữ tại bảo tàng Metropolitan Museum of Art

Những hiểu biết về khoảng thời gian từ thời Tiền sử cho tới trước Gaule-La Mã rất ít ỏi. Trước khi người La Mã tới vào năm 52 trước Công Nguyên, khu vực này do người Parisii thuộc bộ tộc Gaulois làm chủ. Khoảng năm 100 trước Công Nguyên, xuất hiện những đồng tiền vàng của người Parisii. Một số ý kiến cho rằng thành trì của người Parisii xuất hiện 250 tới 200 trước Công Nguyên, nhưng không có lý lẽ thuyết phục. Một thời gian dài, vị trí của thành được cho là đảo Île de la Cité, nhưng ngày nay giả thuyết này gây ra nhiều tranh cãi. Rất có thể thành nằm trên đảo Île Saint-Louis hay một đảo khác ngày nay đã nhập vào bờ trái sông Seine. Một giả thuyết khác mới hơn cho rằng ở Nanterre, các trung tâm Paris 10 km[5]. Nhưng có thể thấy đây chỉ là một đô thị nhỏ bé, nếu so sách với các thành phố phía Đông như Alexandria, Babylone phát triển trước đó cả ngàn năm.

Năm 52 trước Công Nguyên, quân đội của Julius Caesar tới. Trong trận chiến, những người Parisii thất bại và đã phá cầu, đốt thành của mình. Điều này khiến một thành phố mới mang tên Lutetia được xây dựng bên bờ trái sông Seine, theo bản vẽ kiểu Hippodamos. Vị thế thủ đô của Gaule được chuyển về Lugdunum, tức Lyon.

Các nhà sử học cho rằng Lutetia trải rộng khoảng từ đại lộ Saint-Germain tới Val-de-Grâce và từ phố Descartes tới vườn Luxembourg ngày nay. Thành phố xây dựng xung quanh phố Saint-Jacques với các con phố vuông góc. Trung tâm thành phố đánh dấu bởi các kiến trúc La Mã ngày nay ở số 172, 174 phố Saint-Jacques. Nghị trường trải dài từ phố Saint-Jacques tới đại lộ Saint-Michel và phố Cujas tới phố Malebranche.

Các nhà tắm cộng cộng được xây tại góc hai đại lộ Saint-Germain và Saint-Michel, cùng với giao lộ phố Écoles và phố Jean-de-Beauvais. Nước được dẫn bằng các cầu máng từ Rungis ở phía Nam. Một nhà hát nằm ở góc phố École-de-Médecine giao đại lộ Saint-Michel, ngày nay là phố Racine. Ở phía Tây, sông Bièvre chảy vòng qua đồi Sainte-Geneviève và qua vị trí Vườn bách thảo. Đấu trường Lutetia nằm ở phía Đông thành phố, cạnh sông Bièvre. Nghĩa địa nằm ở phía Nam thành phố, tại vị trí của tu viện Port-Royal[6] · [7]. Dân số của Lutetia chỉ khoảng 5 tới 6 ngàn người vào thời kỳ đỉnh cao, giữ vị trí khiêm tốn trong Đế chế La Mã. Khi đó, Lugdunum vào thế kỷ 2 có từ 50 tới 80 ngàn dân[8].

Theo truyền thuyết, Thánh Denis đã truyền Cơ Đốc giáo vào thành phố và tử vì đạo khoảng năm 250. Thế kỷ 4, vùng ngoại ô xuất hiện và khoảng năm 300, Lutetia được đổi tên thành Paris, lấy từ chữ "Civitas Parisiorum", có nghĩa Thành trì của người Parisii. Năm 451, Thánh Geneviève - một người có ảnh hưởng to lớn của Cơ Đốc giáo khi đó - thuyết phục dân Paris không bỏ chạy khi người Hungngười Attila tới đánh chiếm. Nhưng sau đó, họ đã thất bại ở trận Chalons[9]. Thánh Geneviève về sau trở thành thánh bảo trợ của thành phố Paris.